CÁC MỐC PHÁT TRIỂN Ở EM BÉ 1 TUỔI DIỄN RA THẾ NÀO?

Em bé 1 tuổi biết làm những gì? Đây có lẽ là thắc mắc chung của rất nhiều bậc phụ huynh. Để giải đáp câu hỏi đó cũng như giúp các mẹ có cách khuyến khích con phát triển, bài viết dưới đây sẽ đưa ra chi tiết những cột mốc phát triển của trẻ trong giai đoạn này.

PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT Ở EM BÉ 1 TUỔI

Em bé 1 tuổi có thể tự ngồi, tự đứng dậy, hoặc có thể tự bước đi. Trẻ có thể cầm hai đồ vật rồi gõ vào nhau, tự lấy đồ ăn và dùng cốc uống nước.

Khi mẹ nhìn lại những bức ảnh mới sinh của con, thật đáng ngạc nhiên khi thấy được sự phát triển của bé tại thời điểm này. Từ biểu đồ tăng trưởng, mẹ sẽ thấy mức tăng cân nhanh nhất của trẻ là khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi và sẽ chậm lại khi trẻ càng lớn và ngày càng vận động nhiều hơn.Sự tăng trưởng của mỗi trẻ sẽ có sự khác nhau, vì vậy bố mẹ không nên có bất cứ sự so sánh nào giữa các trẻ. Thông thường con trai có xu hướng nặng cân và cao hơn con gái một chút.

Ở độ tuổi này, bé đã có khả năng sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ để cặp đồ vật một cách chính xác. Lúc này, em bé 1 tuổi sẽ cảm thấy hứng thú khi được kiểm soát các cử động của chính mình. Bé có thể tự di chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi một cách dễ dàng, có thể ngồi mà không cần hỗ trợ nếu như bé muốn, tự đứng lên và ngồi xuống cẩn thận.

Dù bằng cách nào, mẹ cần dành thời gian để hướng sự quan sát của mình tới con bởi ở giai đoạn này bé rất hiếu động. Một số bé rất cưng cáp, thậm chí còn tự đi mà không cần phải hỗ trợ của người lớn.

Em bé 1 tuổi đã có thể phối hợp một số hoạt động, chẳng hạn như trẻ có thể với lấy một thứ gì đó, trong khi tay kia đang cầm nắm một vật khác.

Bé không còn chờ đợi để được bế bồng suốt trong vòng tay người lớn, bé bây giờ đã có thể tự di chuyển và mẹ chỉ cần ôm ấp khi bé muốn. Có đôi lúc bé còn trở nên phát cáu khi mẹ giúp trẻ, do đó hãy để trẻ được tự mình hành động.

Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết cách phản ứng với cha mẹ, chẳng hạn như thôi không làm việc gì khi cha mẹ nói không, lắc đầu khi trẻ không ăn. Khả năng vận động của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu như được mẹ giữ một tay, trẻ có thể bước đi được nhiều hơn.

Em bé 1 tuổi
Em bé 1 tuổi tự bò lên bậc thang

Bé thích thú khi ném và xô ngã mọi thứ, thích chơi với những chiếc bình và xoong nồi bằng cách đặt cái nhỏ vào cái lớn, thích làm mọi người giật mình khi trẻ dùng các đồ vật rồi đập vào nhau tạo ra tiếng động lớn.

Trẻ có cảm giác mới mẻ và hứng thú về sự kiểm soát và khả năng khi trẻ có thể tự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Đây chính là lần trải nghiệm đầu tiên về cảm giác thực sự độc lập về thể chất.

PHÁT TRIỂN CẢM XÚC Ở EM BÉ 1 TUỔI

Ở độ tuổi này, con có thể hiểu những gì cha mẹ nói và bắt chước những hành động đơn giản như vỗ tay, nhặt gấu bông, vẫy tay xin chào hay tạm biệt. Đặc biệt, một số trẻ tập nói sớm có thể thành thạo một vài từ riêng.

Hãy cho bé nghe nhạc thường xuyên, bé sẽ nhận ra các bài hát quen thuộc, nhảy theo nhip điệu và cảm thấy hứng thú khi được nghe những giai điệu này. Trên Youtube hiện nay đã có rất nhiều bài nhạc cho em bé 1 tuổi mà mẹ có thể mở cho bé nghe.

Thông qua điệu bộ và cử chỉ, bé có thể diễn đạt nhu cầu của mình cho người khác thấy. Bé có thể khóc hoặc căng thẳng khi thấy bố mẹ đi ra chỗ khác hoặc có nhiều người lạ vây quanh mình.

Ở giai đoạn em bé 1 tuổi, bé thích được bố mẹ chăm sóc hơn những người khác. Bởi vậy, đừng nghĩ rằng con còn quá nhỏ để phân biệt người với người, bởi lúc này trẻ đã có khả năng biết thích người này, vật này qua biểu hiện của nét mặt hoặc tiếng khóc.

Chẳng hạn, nếu mẹ dạy bé thường xuyên, một số trường hợp đã có thể chỉ ngón tay vào tai của mình khi mẹ hỏi tai ở đâu. Mẹ có thể dạy con cách cư xử do sự hiểu biết của trẻ ngày càng tốt hơn nhiều, nói “con xin” hay vẫy tay chào tạm biệt.

Các mẫu đồ chơi cho em bé 1 tuổi trên thị trường khá đa dạng, mẹ có thể mua về cho bé chơi. Nhưng mẹ chú ý mua đồ chơi có chất liệu đảm bảo xuất xứ an toàn. Sau khi chơi xong, mẹ cũng có thể thuyết phục trẻ cùng dọn dẹp. 

Đồ chơi cho bé 1 tuổi

EM BÉ 1 TUỔI CÓ CHẾ ĐỘ  ĂN UỐNG – NGỦ NGHỈ THẾ NÀO?

Thông thường, em bé 1 tuổi sẽ cần khoảng 14 tiếng rưỡi để ngủ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn (20 – 30 phút) và một giấc ngủ trưa dài hơn (2 – 3 giờ).

Việc chuẩn bị bữa trẻ ăn cho bây giờ cũng trở nên đơn giản hơn vì em bé của mẹ có thể làm quen với các bữa ăn dặm, ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như các thành viên khác trong gia đình, chỉ khác là khẩu phần nhỏ hơn và cần làm nhỏ thức ăn hơn. Ngoài 3 bữa ăn chính mỗi ngày, mẹ nên cho trẻ ăn thêm các bữa phụ với các loại trái cây, rau củ hoặc sữa chua nguyên chất hỗ trợ hệ tiêu hoá của con.

Chỉ nên cho con uống tối đa 400ml sữa/ngày, bao gồm đồ uống và bất kỳ loại sữa nào có trong ngũ cốc ăn sáng. Đây có thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức có đầy đủ chất béo.

Duy trì bổ sung các loại vitamin hàng ngày cho trẻ như vitamin A, vitamin C và vitamin D.

Nếu trước đó bé đang bú mẹ, tùy vào nhu cầu của bé và mẹ có thể cho bé ngừng bú hoặc tiếp tục bú bởi độ tuổi này bé đã có thể thích nghi những nguồn thức ăn khác. Từ 12 tháng tuổi, có thể dừng cho trẻ uống sữa bột và chuyển sang loại sữa nguyên kem hay sữa bò nguyên chất. Cho trẻ uống từ 2 đến 3 cốc mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng. 

Mẹ nên tích cực cho trẻ uống nước lọc và hạn chế dùng các loại hoa quả chứa quá nhiều vitamin C, dễ gây đau dạ dày.

Khuyến khích trẻ ăn rau quả và áp dụng thực đơn cân bằng cho trẻ. Xây dựng chế độ ăn  uống lành mạnh, đảm bảo đủ chất, không nên cho bé ăn những thức ăn có hàm lượng đường, muối và mỡ cao. Để con không bị nghẹn, hãy cắt đồ ăn thành từng miếng nhỏ hoặc xay nhuyễn.

Chế độ ăn của em bé 1 tuổi

LỜI KHUYÊN CHO CHA MẸ 

Mẹ có thể khuyến khích trẻ phát triển thông qua một số hoạt động, chẳng hạn như:

  • Lựa chọn nhiều quyển sách với hình vẽ, màu sắc nổi bật. Đọc truyện cho bé nghe mỗi ngày và khuyến khích con chỉ vào một vật khi mình đọc tới vật đó
  • Mở nhạc cho em bé 1 tuổi cho con nghe và dạy con hát theo những giai điệu ấy
  • Mẹ cần gọi tên các đồ vật chính xác, nhất quán để bé bắt chước và học theo
  • Bé vẫn còn giấc ngủ ngắn, do đó nên tập cho bé có giấc ngủ dài và ngắn đúng giờ. Cho bé ngủ giường riêng
  • Nên dành khoảng thời gian riêng chỉ có mẹ với bé, tăng tương tác với con
  • Em bé 1 tuổi vẫn còn hạn chế về khả năng để hiểu thứ tự sự vật/ sự việc/ thời gian, vì vậy bạn nên kiên nhẫn với trẻ
  • Ở giai đoạn này, nên cho bé chơi các trò chơi hoạt động nhiều và cần tương tác với người khác, giảm thời gian xem tivi của trẻ xuống chỉ còn một tiếng mỗi ngày
  • Để tăng giao tiếp cho bé trong bữa ăn, nên cho bé ngồi ở ghế cao ngang bàn
  • Không ép bé ăn khi bé không muốn, khi đói bé sẽ tự xin mẹ ăn
  • Để phòng tránh bị dị vật đường thở do hít sặc khi nuốt, không nên cho bé ăn các loại hạt cứng, kẹo cứng, kẹo cao su
  • Mẹ nên dần cho trẻ sử dụng thìa và bát đĩa riêng
  • Luyện tập, hướng dẫn cho con đánh răng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ
Mẹ cần tương tác nhiều với con

Mỗi em bé sẽ có hướng phát triển theo các cách riêng của chúng, vì vậy chúng ta không thể dự đoán chính xác thời gian và cách thức trẻ hoàn thiện toàn bộ các kĩ năng.

Những cột mốc đề cập phía trên cung cấp những thông tin cần thiết nhằm giúp mẹ theo dõi sự phát triển của con. Và nếu con mình có phát triển quá chậm hay quá nhanh so với trẻ cùng tuổi thì bố mẹ cũng không có gì phải lo lắng hay hoảng hốt, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay