Quan sát một đứa trẻ trưởng thành là một trải nghiệm thật thú vị và kì diệu. Đặc biệt hơn khi hành trình này lại có thêm sự đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ tham gia vào hầu hết những cột mốc lớn lên của con. Cha mẹ dạy bé học lẫy, học bò, dạy bé học nói, học đi… Bài viết sẽ cung cấp thêm thông tin về việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ và cách cha mẹ tham gia cùng trẻ trong quá trình này.
Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của bé
Khoảng thời gian phát triển ngôn ngữ quan trọng của trẻ là trong khoảng 3 năm đầu đời. Dưới đây là các giai đoạn chính trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ:
Giai đoạn tiền ngôn ngữ (0 – 6 tháng)
Đây là giai đoạn phát triển ngôn ngữ đầu tiên của con. Trong khoảng thời gian này con chưa phát triển kỹ năng ngôn ngữ nên mọi hoạt động giao tiếp của con đều bằng những âm thanh đơn giản. Con khóc khi đói, khi khó chịu, hoặc tạo ra những âm thanh ê a đáp lại những cuộc trò chuyện của ba mẹ. Trẻ lúc này cũng đã có thể bắt đầu nhận biết và phân biệt được tiếng cha mẹ bên cạnh nét mặt và dáng người.
Giai đoạn bập bẹ (6 – 9 tháng)
Giai đoạn thứ hai trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con diễn ra khi con đạt độ tuổi từ 6 – 9 tháng tuổi. Bé bắt đầu phát ra âm thanh nhiều hơn tuy chưa thành chữ cụ thể nhưng những tiếng trẻ nói ra đã có phần phức tạp hơn giai đoạn đầu. Cơ miệng và răng của trẻ cũng bắt đầu phát triển để chuẩn bị cho giai đoạn tập nói phức tạp hơn phía sau.
Giai đoạn ba chiều (9 – 18 tháng)
Giai đoạn ba chiều hay còn gọi là giai đoạn phát triển ngôn ngữ toàn diện. Trong khoảng thời gian này kỹ năng ngôn ngữ của trẻ đã được cải thiện đáng kể. Thay vì nói những âm tiết không có nghĩa thì bé đã có thể mô tả những nhu cầu của mình bằng những từ đơn giản. Ví dụ khi đòi mẹ trẻ có thể gọi “ma ma” hoặc bố thì bé sẽ gọi “da da”.
Giai đoạn hai từ (18 – 24 tháng)
Bé bắt đầu ghép từ để tạo thành một cụm từ ngắn có nghĩa. Ví dụ bé có thể nói “cái ghế” khi bé thấy cái ghế hoặc “mẹ bế” khi bé đòi mẹ bế.
Giai đoạn điện báo (24 – 30 tháng)
Khi bé trong khoảng từ 24 – 30 tháng bé có thể nói các cụm từ dài hơn 2 thành tố như giai đoạn trên. Tuy đôi khi bé còn nói sai thứ tự câu từ những bé hiểu những gì bé đang nói và bé hiểu những gì bé muốn truyền đạt đến người khác. Không những thế trong giai đoạn này bé cũng đã biết mọi người đang nói gì với mình và sẽ thực hiện đúng những gì mà mọi người xung quanh chỉ bé làm.
Giai đoạn nhiều từ (sau 30 tháng)
Sau 30 tháng trẻ bước vào giai đoạn nói nhiều từ. Bé bắt đầu xây dựng và nói những câu phức tạp hơn, nói nhiều hơn và hỏi nhiều hơn về thế giới xung quanh.
Cách dạy bé học nói hiệu quả nhất tại nhà
Dưới đây là một số cách dạy bé học nói tại nhà hiệu quả mẹ có thể tham khảo:
Hát cho bé nghe mỗi ngày
Một trong những phương pháp đơn giản dạy bé học nói chính là hát cho bé nghe mỗi ngày. Ca hát là một cách cha mẹ có thể dùng để giao tiếp với con cái họ. Hãy thường xuyên hát cho bé nghe để bé có thể ghi nhớ giọng của mẹ đồng thời bé cũng sẽ được làm quen với một số kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, về từ vựng và các giai điệu. Trẻ sẽ thấy ca hát thật nhẹ nhàng với sự liên kết tuyệt vời giữa ngôn từ và giai điệu. Con sẽ cảm thấy vui hơn và cảm nhận được tình thương vô bờ bến mà mẹ dành cho mình.
Bạn cũng có thể biến ca hát thành một trò chơi để từ đó dạy bé học nói. Ví dụ khi mẹ hát một bài liên quan đến con vịt mẹ hãy giơ hình ảnh con vịt hoặc đồ chơi con vịt lên để làm đạo cụ dạy cho con.
Nói chuyện với bé thường xuyên
Ngay cả khi con còn quá nhỏ để hiểu hoặc phản hồi lại cha mẹ thì cha mẹ cũng nên nói chuyện với con để con làm quen dần với giọng nói, với ngôn ngữ. Dạy bé học nói bằng cách nói chuyện với con chính là phương pháp không thể đơn giản và hiệu quả hơn. Nói chuyện với con bằng một giọng vui vẻ, nhẹ nhàng khi bạn chơi với con và chăm sóc chúng. Bạn cũng có thể trò chuyện với mọi người ngay cạnh em bé của bạn. Bé sẽ có sự tò mò và chú tâm nhất định vào câu chuyện của bạn. Điều này giúp cho việc dạy bé học nói hiệu quả hơn.
Bạn có thể tâm sự với bé về những việc làm trong ngày. Chẳng hạn: “Mẹ đang làm bữa sáng, hôm nay mình ăn bánh mì ốp la được không nhỉ?”
Đọc cho bé nghe
Bạn có thể lựa chọn đọc sách cho con để dạy bé học nói. Đọc sách là một cách tuyệt vời để gắn kết với con bạn và khuyến khích kĩ năng học ngôn ngữ sớm. Mẹ bắt đầu dạy con học nói bằng việc đọc cho con những quyển sách đơn giản. Đó có thể là những quyển sách vải với 1 hoặc 2 trang với 1 hoặc 2 dòng chữ và các hình ảnh màu sắc. Mẹ chỉ vào từng ảnh rồi mô tả trang sách cho bé. Bé sẽ tò mò nhìn theo tay chỉ của mẹ và học theo ghi nhớ.
Mẹ hãy chọn những cuốn sách “chạm và cảm nhận” để làm tài liệu để dạy bé học nói.
Lời khuyên: Ngay từ khi còn sơ sinh trẻ đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc đọc sách cùng cha mẹ. Có thể bé không hiểu bạn đang nói gì, những trẻ sẽ thích lắng nghe giọng nói của cha mẹ và dành thời gian cho họ khi đọc.
Mô tả các đồ vật mà bé tương tác
Mẹ có thể dạy bé học nói bằng cách nói về những thứ quen thuộc với bé, chẳng hạn như đồ chơi yêu thích, dụng cụ ăn uống, quần áo…Nếu mẹ miêu tả và kể về những đồ vật này mỗi khi mẹ sử dụng chúng thì bé sẽ sớm bắt đầu liên kết từ cụ thể với đồ vật đó. Hành động này không chỉ góp phần dạy bé học nói hiệu quả mà còn giúp bé học tập và mở mang kiến thức, nhận thức về các đồ vật xung quanh.
Ví dụ mẹ có thể nói “Cái thìa của con đây, con có thể xúc thức ăn bằng cái thìa này” hoặc “Con muốn chăn đúng không? Chiếc chăn gấu xinh đẹp của con đây”.
Bạn cũng có thể mô tả những hành động mà bé sử dụng thường xuyên. Ví dụ nắm tay bé vuốt lông một chú cún và nói “Con nựng bạn cún này đi!”.
Bắt chước âm thanh của bé
Khi con được vài tháng tuổi, chúng sẽ bắt đầu những trải nghiệm tự tạo âm thanh cho riêng mình. Nếu bạn thấy bé ríu rít, thủ thỉ hãy bắt chước âm thanh của chúng. Dạy em bé học nói bằng cách lặp lại âm thanh của con sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục phát ra âm thanh và giúp trẻ hiểu được các yếu tố qua lại của cuộc trò chuyện.
Hành động hạnh phúc và hào hứng nếu em bé nói một từ
Nghe con nói một từ mới thật thú vị và hạnh phúc. Khi đó đừng giữ lại cảm xúc vui vẻ, tự hào ấy chỉ riêng mình mà hãy bộc lộ nó ra ngoài cho con thấy bạn hài lòng như thế nào. Hãy cười, vỗ tay hay làm những cử chỉ khen thưởng bé. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy vui vẻ, hào hứng và có thêm động lực để làm lại những hành động đó.
Việc dạy bé học nói không chỉ thành công trong ngày một ngày hai mà nó là cả quá trình dài cố gắng của cả con và mẹ. Theo dõi và dạy bảo con hàng ngày sẽ giúp phụ huynh và con cái có thêm những kỉ niệm đẹp cùng nhau và giúp con học nói nhanh hơn và có thêm những hiểu biết về thế giới bên ngoài.