“Khủng hoảng tuổi lên 2” hay “khủng hoảng tuổi lên 3” đều là những thời kỳ đáng nhớ đối với các bà mẹ. Con ngang bướng, hay ăn vạ, mè nheo… có khi còn đánh người khác vô lý là những trường hợp có thể khiến bố mẹ khá hoang mang và đau đầu. Tuy nhiên, thực tế, đây chỉ là giai đoạn biến chuyển cả về thể chất lẫn tinh thần ở trẻ, khiến trẻ có những biểu hiện không theo bất cứ quy củ nào. Vậy mẹ có biết làm cách nào để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này thật nhẹ nhàng không?
1. Hiểu về biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 3 thường thấy
Ở độ tuổi lên 2, bé đã bắt đầu có những dấu hiệu “khủng hoảng nhẹ” bằng những hành vi không muốn hợp tác, không nghe lời mẹ. Khi trẻ lên 3, tần suất không nghe lời, thậm chí chống đối, làm ngược lại ý bố mẹ càng nhiều hơn. Bé trở nên lì lợm cứng đầu, chỉ muốn làm theo ý mình khiến mẹ cảm thấy mình bất lực, không thể kiểm soát nổi con. Để cùng con vượt qua giai đoạn này, mẹ rất cần nắm rõ những biểu hiện thường gặp khi trẻ rơi vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” nhé:
- Bướng bỉnh, muốn thể hiện tính sở hữu của mình qua những hành động như giành đồ chơi, không cho ai đụng đến đồ đạc của mình,…
- Đòi tự làm mọi việc vì cho rằng mình đã lớn, không muốn mẹ giúp mặc quần áo, không muốn người lớn nắm tay dắt đi,…
- Chỉ làm theo ý thích của bản thân, cố tình làm ngược lại với điều cha mẹ mong muốn, luôn muốn người lớn chiều theo ý mình, không thì lại ăn vạ, khóc lóc…
- Hay xuất hiện những phản ứng tiêu cực, thường xuyên mè nheo, cáu gắt.
- Có hành vi chống đối thậm chí đôi lúc còn khá vô lễ như la hét, cấu véo, dọa đánh cha mẹ, người lớn…
Xem thêm: Trẻ bị cảm lạnh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa
2. Bố mẹ cần làm gì?
“Khủng hoảng tuổi lên 3” đôi lúc làm bố mẹ khá mệt mỏi khi luôn phải tìm cách giải quyết mọi vấn đề của con. Tuy nhiên, bố mẹ cần hiểu rằng những hành động này đều phát xuất chỉ từ một nguyên nhân: con đang lớn. Vì thế, đừng vội vàng bảo con hư đốn, hỗn hào mà hãy học cách hiểu con hơn, đồng hành và giúp con thực sự “trưởng thành”. Chỉ cần làm được những điều đó, bố mẹ sẽ thấy giai đoạn này không quá khó khăn mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ, nhiều ý nghĩa với con sau này đó.
- Khi con khóc lóc, ăn vạ mè nheo: Hãy giả vờ lờ đi hoặc nếu không thể lờ con, cha mẹ nên chủ động chơi những trò chơi mới lạ cùng bé, hướng sự chú ý của bé vào các hoạt động khác để bé quên mục đích ban đầu của mình.
- Ở độ tuổi này con đã có thể nhận thức được nhiều điều, mẹ nên giải thích rõ ràng cho con biết hành động nào là sai với thái độ nghiêm túc nhưng cũng thật nhẹ nhàng, bé sẽ dần hiểu ra vấn đề một cách nhanh chóng.
- Nếu cần phạt con, cha mẹ không nên đánh mắng, cho rằng bé sai vì biện pháp này sẽ khiến bé tổn thương và càng lì lợm hơn. Hãy áp dụng một số cách như cho con đứng úp mặt vào tường suy ngẫm,…
- Nếu con muốn tự mình chọn lựa đồ vật hoặc làm điều gì đó theo ý thích nhưng trong mức độ chấp nhận được (tự chọn quần áo, tự chọn chén, muỗng mà con thích, chọn loại thức ăn con muốn ăn,…) mẹ hãy luôn ở bên cạnh hướng dẫn và để bé làm những điều bé muốn, con sẽ thoải mái hơn, hạn chế được tình trạng cáu gắt, khó bảo.
- Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa, trò chuyện với con mỗi ngày để gia tăng thêm sự ý thức ở chính bản thân con.
“Khủng hoảng” ở tuổi nào cũng sẽ không còn là vấn đề nan giải nếu mẹ dành thời gian hiểu con và có biện pháp xử lý khéo léo. Hãy cùng bé yêu viết nên trang nhật ký tuổi lên 3 đầy ắp những trải nghiệm đáng giá và không phải lo sợ vì khủng hoảng tuổi lên 3 bố mẹ nhé!