Các ông bố bà mẹ khi vừa được “thăng chức” chắc hẳn còn rất vụng về với lần đầu chăm con. Bé sơ sinh đang có sự thay đổi lớn khi phải thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ nắm vững một số lưu ý thì việc này lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy các lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh là gì? Mời cha mẹ đọc ngay 8 lưu ý trong bài viết dưới đây!
Cách bế trẻ
Trẻ khi mới lọt lòng mẹ có kích thước khá nhỏ và cơ thể chưa cứng cáp nên không thể bế ẵm như các trẻ lớn. Mẹ cần lên tiếng nhẹ nhàng để ra dấu hiệu là sẽ bé lên. Sau đó, dùng tay luồn qua cổ bé, nâng đầu và cổ bé trên cùng một đường thẳng cánh tay mẹ. Mẹ nên kết hợp bồng mông và vai bé không bị giật mình.
Chú ý, tư thế bế tốt nhất của trẻ sơ sinh là nằm ngang. Khi bé cứng cổ hơn mới bế nghiêng hay dọc bé. Mặt bé nên hướng vào ngực mẹ, tránh quay ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mạnh, không tốt cho giác mạc còn non yếu của trẻ. Mẹ cần ôm gọn bé vào lòng, không để tay bé buông thõng ra phía cạnh sườn mẹ. Khi bế không rung lắc trẻ gây ảnh hưởng thần kinh, thị lực, trí não. Đồng thời tạo nên thói quen xấu nếu không rung lắc bé sẽ không đi ngủ.
Cho bú
Một trong các lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh đó chính là cho trẻ bú. Mẹ nên cho trẻ bú trong vòng 2 giờ đầu sau sinh. Bởi thời điểm này, sữa non chứa nhiều kháng thể tốt cho bé nhất. Dạ dày của bé sơ sinh chỉ chứa được khoảng 30 – 90ml sữa cho mỗi cữ bú. Vì vậy, mẹ nên cho bé bú vừa đủ và chia thành nhiều lần bú. Cách khoảng 2 – 3 giờ mẹ cho bé bú 1 lần. Thậm chí trong giai đoạn này, mẹ phải chịu khó thức đêm để cho bé bú.
Mẹ cần chọn tư thế bú thoải mái cho cả hai mẹ con. Mẹ giữ đầu và lưng bé thẳng hàng, hướng mặt bé vào bầu sữa, mũi chạm quầng vú. Cho bé bú hết sữa một bên rồi mới chuyển sang bên còn lại để bé tiếp nhận đầy đủ các loại dưỡng chất khác nhau ở đầu và cuối cữ bú. Sau khi bú xong, hãy vỗ ợ hơi vào lưng bé nhẹ nhàng để bé không bị đầy bụng khó chịu.
Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
Mẹ cần chăm sóc tốt để rốn bé khô và rụng tự nhiên, tránh viêm nhiễm. Mẹ hay người tắm cho bé phải rửa tay, sát khuẩn. Sau đó dùng bông gòn thấm nước sạch, thấm khô cuống và chân rốn. Rửa sạch vùng quanh rốn và có thể dán lại bằng một băng gạc mỏng đến khi rốn rụng.
Rốn trẻ thường rụng sau 7 – 10 ngày sinh. Lưu ý, quan sát những dấu hiệu bất thường như viêm đỏ, có mủ, dịch vàng, mùi hôi thì nên đến thăm khám bác sĩ. Tã bỉm cần phải quấn dưới rốn để tránh nước tiểu, phân dính lên làm viêm nhiễm.
Tắm rửa cho bé
Bé sơ sinh không nhất thiết phải tắm hàng ngày. Trước khi tắm, cha mẹ nên tắt quạt, điều hòa và tiến hành massage cho bé. Mẹ nên pha nước ở 36 – 38°C tùy từng mùa nóng – lạnh. Có thể dùng ngón tay, cùi trỏ để kiểm tra nhiệt độ nước. Khi tắm nên chú ý vệ sinh kỹ vùng da nhiều nếp gập như cổ, nách, bẹn, chân, sau gáy.
Mẹ vừa tắm bé vừa nói chuyện, tâm sự để bé cảm thấy thích thú, sảng khoái hơn. Tay đỡ bé phải hết sức vững chắc, không để tay trơn trượt làm ngã bé. Sau khi tắm xong, dùng khăn bông mềm thấm khô nước, lau tóc, tai. Sau đó quấn tã và mặc quần áo, bao tay, chân.
Dùng tã
Mẹ nên dùng loại tả vải hoặc tã giấy chống hăm ngứa cho bé. Trẻ dùng sữa mẹ hoàn toàn sẽ đại tiện khoảng 4 lần/ngày. Nếu kết hợp sữa công thức thì ít hơn khoảng 2 – 3 lần/ngày do tiêu hóa dinh dưỡng chậm hơn. Mẹ nên thay tã ngay khi bé vừa đi tè, ị. Khi thay phải vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn, bộ phận sinh dục rồi mới mặc tã mới. Đặc biệt mẹ không nên quấn tã quá chặt khiến bé bị hăm ngứa, khó chịu. Mẹ có thể thoa kem chống hăm trước khi quấn tã cho trẻ.
Chăm sóc da
Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, nổi rôm sảy. Vì vậy, nên chú ý chọn tã bỉm, quần áo mềm mịn, không chọn vải thô gây cọ xát da bé. Không dùng xà phòng có tính kiềm cao khiến da bé khô rát mà nên chọn loại có tính dịu nhẹ, chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Vào mùa hanh khô, nên thoa kem dưỡng để da bé không bị nứt nẻ.
Chăm sóc mắt trẻ sơ sinh
Mắt trẻ sơ sinh còn rất yếu ớt và nhạy cảm. Vì vậy, mẹ cần vệ sinh 3 lần/ngày hết sức nhẹ nhàng. Hãy dùng khăn sạch và nước ẩm để lau quanh vùng mắt. Lưu ý, không dùng chung khăn lau mặt và khăn lau người cho bé.
Chăm sóc trẻ sơ sinh về giấc ngủ
Bé mới sinh chưa thể tự ý thức giờ giấc và cũng không phân biệt được ngày hay đêm. Trong khi đó, bé lại ngủ rất nhiều, chỉ thức khi bé đói và cần bú mẹ. Tuy nhiên, bé lại có thể chơi vào ban đêm và ngủ nhiều vào ban ngày. Thói quen này sẽ khiến mẹ rất mệt mỏi nếu kéo dài. Vì vậy, ban ngày mẹ nên đánh thức trẻ bú đều đặn. Sau đó chơi với bé nhiều hơn vào ban ngày để ban đêm bé ngủ. Mẹ có thể áp dụng cách này khi bé đạt 2 tuần tuổi.
Trên đây là tổng hợp các lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần biết. Hy vọng cha mẹ nắm vững và áp dụng ngay để quá trình nuôi con không còn vất vả mà bé vẫn khỏe mạnh nhé! Hismart luôn đồng hành và cung cấp các thông tin hữu ích nhất cho mẹ và bé cho con tuyệt nhất mỗi ngày.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z hiệu quả nhất
Xem thêm: 10 trò chơi chăm sóc em bé giúp trẻ phát triển toàn diện