Sởi là một bệnh lý lây truyền cấp tính qua đường hô hấp được đặc trưng bởi các biểu hiện sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, phát ban ở vùng mặt và nhanh chóng lan rộng ra khắp cơ thể. Virus gây bệnh có thể lây lan ngay cả khi bệnh chưa có biểu hiện ra bên ngoài, kéo dài từ thời gian ủ bệnh đến khi trẻ phát ban hoàn toàn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là các bé chưa tiêm đủ các mũi vacxin ngừa sởi là đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh nhất.
Bệnh sởi ở trẻ em được gây ra bởi virus sởi, thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Đây là một chủng virus có khả năng lây lan và phát triển nhanh chóng và có nguy cơ bùng phát thành dịch cao khi thời tiết chuyển lạnh, thường xảy ra vào mùa đông-xuân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh sởi có thể xuất hiện và phát hiện mạnh mẽ vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Trẻ em có thể nhiễm virus sởi thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh vì chủng virus này có thể phát tán ra bên ngoài khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,… Do đó, bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch tại các khu vực đông người như trường học, nhà trẻ,…
Dấu hiệu trẻ bị lên sởi
Triệu chứng của bệnh sởi ở các trẻ là không giống nhau. Có những trẻ xuất hiện đủ các triệu chứng phổ biến thường gặp, nhưng cũng có trẻ chỉ xuất hiện những biểu hiện không điển hình nên thường được phát hiện mắc bệnh muộn, khi bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn nặng hoặc có biến chứng.
Thể điển hình
Thông thường, bệnh sởi ở trẻ em sẽ tiến triển theo 4 giai đoạn:
+ Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi trẻ bị nhiễm virus gây bệnh, các biểu hiện bệnh sẽ không bộc phát ngay mà trẻ sẽ trải qua giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài trong khoảng 8-11 ngày.
+ Giai đoạn khởi phát, hay còn gọi là giai đoạn viêm long: Giai đoạn này thường kéo dài trong khoảng 3-4 ngày với các triệu chứng sởi ở trẻ em điển hình gồm:
- Sốt nhẹ, vừa và sau cùng là sốt cao;
- Viêm kết mạc, đỏ mắt, mắt có gỉ, m mắt sưng nề;
- Viêm xuất tiết mũi, họng;
- Nước mắt, nước mũi chảy nhiều;
- Ho;
- Hạch ngoại biên sưng to…
+ Giai đoạn toàn phát, hay còn gọi là giai đoạn phát ban: Giai đoạn này thường sẽ kéo dài trong khoảng 4-6 ngày. Lúc này, trẻ bắt đầu phát ban phía sau tai, sao đó lan rộng ra khắp mặt, xuống cổ, ngực, lưng, tay và phát ban khắp cơ thể trong 3 ngày. Những vết ban này có màu đỏ, sát sẩn, nhỏ, hơi nổi gờ lên so với về mặt da, có thể mọc thành từng đốm, nằm rải rác hoặc lan rộng ra, dính liền với nhau tạo thành những đám tròn 3-6mm.
+ Giai đoạn lui bệnh, hay còn gọi là giai đoạn ban bay: Ở giai đoạn này, thường trẻ đã hết sốt, các vết ban bay dần đi theo thứ tự mọc của chúng và để lại vết thâm trên vùng da phát ban. Trong một số trường hợp, vết ban bay đi khi trẻ vẫn đang còn sốt, bệnh sởi có thể đã chuyển biến thành các bệnh nguy hiểm hơn. Ngoài tra, trẻ có thể bị lột da vào giai đoạn này.
Thể không điển hình
Một số trẻ bị sởi không được phát hiện sớm do bệnh chỉ xuất hiện với các biểu hiện không điển hình gồm:
- Sốt nhẹ;
- Phát bạn ít;
- Viêm long nhẹ;
- Thể trạng sức khỏe của trẻ không có thay đổi rõ rệt.
Các triệu chứng này rất khó phân biệt với các dấu hiệu của một số bệnh viêm đường hô hấp khác. Do đó, bố mẹ nên lưu ý hơn và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị bệnh sớm nếu trẻ:
- Dưới 1 tuổi và chưa tiêm đủ các mũi vacxin phòng bệnh sởi;
- Trên 1 tuổi nhưng chỉ mới tiêm 1 mũi vacxin phòng sởi;
- Sống trong khu vực đang bùng phát dịch sởi;
- Tiếp xúc với người bệnh hoặc đến những nơi có dịch sởi.
- Ngoài ra, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau, mẹ nên thông báo ngay cho bác sĩ và đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
- Khó thở;
- Đau đầu dữ dội;
- Đau mắt khi bị ánh sáng chiếu vào;
- Có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn, hôn mê…
Cách xử trí khi trẻ bị lên sởi
Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp điều trị hiện có đều hướng đến điều trị các triệu chứng, đồng thời, điều chỉnh chế độ sinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Bố mẹ có thể điều trị bệnh sởi cho trẻ tại nhà bằng các biện pháp sau:
- Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc giảm đau với liều lượng phù hợp và cho trẻ uống theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những đứa trẻ khác nhằm hạn chế bệnh lây lan cho người khác, bùng phát thành dịch, khó kiểm soát.
- Vệ sinh thân thể cho trẻ hằng ngày.
- Dọn dẹp, giữ vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh đảm bảo không gian sống sạch sẽ, thoáng mát.
- Chia bữa ăn hằng ngày thành các bữa nhỏ với các loại thực phẩm dễ tiêu nhưng vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ. Lưu ý, thức ăn cho trẻ cần phải được nấu chín kỹ và đảm bảo vệ sinh.
- Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cho trẻ, đặc biệt là vitamin A. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ xuất hiện các biến chứng ảnh hưởng đến mắt của trẻ như loét giác mạc, mù mắt.
Lưu ý, trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện và diễn biến bệnh của trẻ. Nếu các triệu chứng của bệnh không có dấu hiệu giảm nhẹ, ngày càng tồi tệ hơn hay trẻ sốt cao kéo dài, hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị tích cực ngay lập tức.
Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị lên sởi không được điều trị đúng cách
Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus sởi. Sau khi đã nhiễm virus, bệnh tiến triển nhanh chóng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng trẻ có thể mắc phải do bệnh sởi gồm:
- Viêm não: nguy cơ xuất hiện lên đến 0.1% tổng số trẻ bị sởi. Khi trẻ xuất hiện biến chứng viêm não cấp tính, trẻ sẽ có các biểu hiện đau đầu dữ dội, mệt mỏi, sốt co giật, hôn mê, nôn liên tục, cứng gáy.
- Viêm phổi: biến chứng này xảy ra do trẻ bị bội nhiễm các vi khuẩn cầu tụ Influenzae type B và Haemophilus.
- Viêm tai giữa: đây là biến chứng thường gặp khi trẻ bị sởi.
- Viêm loét giác mạc, mù lòa.
- Trẻ bị tiêu chảy, nôn ói nghiêm trọng dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Tái bùng phát thể lao tiềm ẩn nếu trẻ mang vi khuẩn lao trong trạng thái bất hoạt trước đó do lúc này, virus sởi phát triển mạnh khiến trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch.
Các biện pháp phòng tránh bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Hiện nay, phương pháp phòng ngừa sởi cho trẻ em an toàn và hiệu quả nhất là tiêm vacxin. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được chủng ngừa vacxin Sởi đơn hoặc vacxin kết hợp Sởi – Quai bị – Rubella sớm, tuyệt đối không trì hoãn.
Nếu việc tiêm vacxin bị trì hoãn, trẻ được tiêm vacxin muộn hơn thì cũng không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ không may tiếp xúc với nguồn bệnh bệnh, globulin miễn dịch có thể được sử dụng để phòng ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.
Bên cạnh việc tiêm vacxin ngừa sởi cho trẻ, bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, giữ vệ sinh cho trẻ và môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát,… vì môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, bố mẹ chú ý vệ sinh mũi và mắt cho trẻ cẩn thận, đeo khẩu trang và cho trẻ rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn khi đến những nơi đông người.
Bệnh sởi ở trẻ em là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc nhận biến các biểu hiện, hiểu rõ về cách phòng ngừa và điều trị bệnh sẽ giúp bệnh dễ kiểm soát, trẻ nhanh hết bệnh. Đặc biệt, nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường khi mắc bệnh, bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị ngay lập tức.