Khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, trong giai đoạn từ 2-3 tuần đến 3 tháng tuổi, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm. Cùng DinoGPT tìm hiểu về hiện tượng này qua bài viết sau.
Thế nào là khóc dạ đề?
Mỗi đêm trẻ thường bắt đầu khóc, trăn trở khó chịu, không chịu ngủ yên, hoặc có những trẻ đang ngủ thỉnh thoảng lại giật mình tỉnh dậy, khóc thét. Trẻ khóc đêm hay ưỡn người, trán vã nhiều mồ hôi, da trẻ thường nhợt nhạt, người uể oải, mệt mỏi hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, chán ăn, tiểu tiện dài, trong, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt và rêu lưỡi trắng mỏng. Biểu hiện của trẻ là khóc dữ dội đồng thời kèm theo dấu hiệu toàn thân trở nên đỏ ửng, lưng cong lại, tay nắm chặt còn hai chân cò về phía bụng căng cứng, đó là dấu hiệu của những cơn đau.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ khóc dạ đề:
- Khóc kéo dài nhiều hơn ba giờ/ ngày
- Khóc ba ngày hoặc nhiều hơn/tuần
- Khóc hơn ba tuần/tháng.
Trẻ khóc dạ đề, hay khóc đêm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, không những thế còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe, tâm lý và giấc ngủ của những người khác trong gia đình do phải thức đêm, ngủ không đủ giấc dẫn tới mệt mỏi, lo âu và ảnh hưởng đến công việc ngày hôm sau.
Theo các chuyên gia ở khoa nhi, cho đến nay vẫn chưa có minh chứng khoa học cụ thể nào giải thích nguyên nhân của chứng khóc kéo dài hàng giờ ở trẻ sơ sinh vào ban đêm, và cũng chưa có biện pháp điều trị hiệu quả.
Vì sao trẻ khóc dạ đề?
Hiện tượng khóc dạ đề thường xảy ra ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi do tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột điều hòa không gây đau, nhưng đột nhiên vì một lý do nào mà gây nên nhu động ruột tăng lên không đều, dẫn tới đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, hết cơn thì ngừng.
Khóc dạ đề thường do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ như: ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, ban ngày hay trước lúc đi ngủ đùa nghịch quá độ làm cho thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh. Trẻ bị còi xương suy dinh dưỡng cũng hay khóc dạ đề. Trẻ khóc dạ đề có khả năng thích ứng còn yếu, dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho khiếp sợ.
Tuy nhiên cần phân biệt trẻ khóc đêm, khóc dạ đề với các chứng khóc đêm thông thường khác gây khóc to, kéo dài trong đêm ở trẻ sơ sinh như:
- Trẻ bị đau: các nguyên nhân gây đau ở trẻ gồm có loét miệng, đau tai hoặc da bị dị ứng do mặc tã thô. Qua tiếp xúc da giữa mẹ và bé nếu thấy da nóng, cần kiểm tra xem bé khóc có phải do bệnh như sốt, tiêu chảy, nôn ói,… Trong trường hợp này cần đưa bé đến cơ sở y tế, bởi vì ở nhóm tuổi trẻ sơ sinh bị sốt và gồm các biểu hiện nêu trên, nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
- Trẻ mọc răng gây nên sốt và ngứa
- Tã hoặc quần áo mặc cho bé quá chật làm cho bé khó chịu, tã bẩn, phân gây ra kích ứng da, nếu không được làm sạch có thể gây đau rát làm cho trẻ quấy khóc.
- Trẻ bị đói hoặc khát: thông thường, trẻ sơ sinh bú liên tục và thời gian các lần ăn cũng rất gần trong giai đoạn tăng trưởng. Đến khoảng 3 tháng tuổi, khoảng cách giữa các lần bú sẽ từ 2 đến 4 giờ. Trẻ quấy khóc nhiều trong đêm có thể do trẻ bú chưa đủ no.
- Trẻ khóc do các giấc ngủ không trọn: trẻ quấy khóc trong đêm cũng có thể do muốn được ngủ, vì vậy cần đặt em bé ở một vị trí êm ái, thông thoáng giúp cho em bé dễ dàng đến với giấc ngủ.
- Trẻ ăn sữa quá no khiến cho bụng trẻ bị đầy hơi, đó cũng là nguyên nhân gây nên khó chịu kéo dài khiến cho em bé phải thể hiện qua tiếng khóc.
- Đau bụng: khoảng cách bình thường về thời gian và mức độ khóc trong ngày so với những trẻ sơ sinh khác, nếu tâm trạng sức khỏe của em bé luôn luôn ổn định vào ban ngày nhưng lại thường quấy khóc kéo dài vào ban đêm, thì đó là dấu hiệu của đau bụng. Đây cũng có thể là phản ứng của em bé sau một ngày dài với những tác động từ người thân và môi trường… nguyên nhân chính của khóc kéo dài trong những giai đoạn đầu sau sinh. Sau ba tháng tuổi hiện tượng này sẽ biến mất.
- Trẻ bị mệt do người thân có những động tác mạnh: khi vui đùa với trẻ người thân không may có những tác động lắc mạnh bởi sự thay đổi đột ngột ở môi trường chung quanh.
- Bị dị ứng với thực phẩm có trong khẩu phần ăn của mẹ: các loại thực phẩm như trứng, sữa và các loại hạt, lúa mì có trong chế độ ăn của mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần của sữa mẹ. Những thực phẩm này đôi khi có thể gây ra phản ứng đối với hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh của trẻ, gây nên đau bụng, tiêu chảy, táo bón,… Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với những protein có trong sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa khác được tiêu thụ bởi người mẹ, nếu trẻ còn đang bú mẹ khiến cho trẻ thở khò khè, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Còn nếu em bé đã uống sữa bột nên thay thế bằng loại sữa khác có công thức không gây dị ứng. Các triệu chứng dị ứng protein sữa bò ở trẻ em gồm có: quấy khóc và có lẫn máu trong phân khi đại tiện.
Phương pháp điều trị chứng khóc dạ đề
- Ôm bé vào lòng hay đặt bé nằm cạnh mẹ để bé được cảm nhận nhịp tim và hơi ấm từ người mẹ truyền sang.
- Mẹ nhẹ nhàng hát ru em bé bằng những bài hát ru hoặc cho em bé nghe các bản nhạc dịu dàng.
- Đặt em bé nằm ngủ trong một không gian êm ái, yên tĩnh, tạo cảm giác thoải mái khi ngủ. Trong một trường hợp ngoại lệ, có thể cho bé làm quen với những tiếng ồn có âm lượng nhẹ.
- Thường xuyên massage, xoa bóp nhẹ nhàng toàn thân và vùng bụng cho em bé bằng các loại tinh dầu thảo mộc…
- Tránh những tâm trạng căng thẳng ở mẹ khi cho bé bú, vì nghĩ rằng nguyên nhân khóc ở bé do đói, đồng thời cũng không nên ép bé ăn quá no nếu bé có những hành động có tính phản đối. Bởi ăn quá no sẽ khiến bé khóc vì đầy hơi hoặc đau bụng.
- Không được tự ý cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào, nếu không có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa nhi.
Tóm lại, khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh không cần phải chữa trị đặc hiệu, trừ khi các bà mẹ nhận thấy có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ ví dụ như: khóc kéo dài gần 4 giờ, khóc có kèm theo sốt, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu ra máu, trẻ có biểu hiện mệt lả, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ngược lại, nếu sau những cơn khóc kéo dài, mà trẻ trở lại bình thường, vui, khỏe, bú tốt, thì các bà mẹ cần yên tâm và cố gắng trấn tĩnh chờ cho 3 tháng đầu đời của bé dần trôi qua.