Viêm não Nhật Bản là môt bệnh lý viêm nhiễm rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Bệnh xuất hiện với những triệu chứng lâm sàng đa dạng và biến chứng nặng nề. Dù vậy, hiện nay lại chưa có phương pháp đặc trị bệnh này. Chính vì thế, các bậc phụ huynh càng phải lưu ý cách phòng bệnh sớm cho trẻ. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cụ thể bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em. Mời mẹ cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!
Tổng quan về bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ là bệnh lý do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở khu vực các nước Châu Á với tỷ lệ tử vong tương đối cao. Con số khoảng từ 20% đến 30%. Ở nước ta, bệnh này được ghi nhận ở hầu hết tất cả các tỉnh thành.
Thời điểm mắc bệnh rải rác quanh năm, những tháng hè nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 7 dễ bùng phát thành dịch. Trẻ em từ 2 – 8 tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện phổ biến ở trẻ em vùng đồng bằng nhiều hơn miền núi, và ở trẻ nông thôn nhiều hơn thành thị.
Virus là nguyên nhân gây bệnh nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để đối mặt với bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em tiêm chủng sớm, dự phòng và phát hiện sớm các di chứng. Theo các con số thống kê cho thấy ỷ lệ trẻ đã mắc bệnh viêm não Nhật Bản giảm dần kể từ khi tỷ lệ tiêm vacxin viêm não Nhật Bản tăng lên.
>> Xem thêm: Các Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em Và Cách Phòng Ngừa
Nguyên nhân và cách thức lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ
Virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ. Vật liệu di truyền của loại virus này là ARN và kém chịu nhiệt. Virus có thể bị bất hoạt hoàn toàn ở nhiệt độ 70°C trong khoảng 10 phút. Và chỉ mất 2 phút ở nhiệt độ 100°C. Các dung dịch sát khuẩn thông dụng như cồn, axeton cũng có khả năng tiêu diệt virus viêm não Nhật Bản.
Trong tự nhiên, lọai virus này cư ngụ chủ yếu ở các loài chim như chim sẻ, cu gáy, chim liêu điêu, cò… Và các loại gia súc như lợn, trâu, bò, dê, cừu… Virus xâm nhập vào cơ thể người theo đường máu, thông qua vật trung gian là muỗi Culex tritaeniorhynchus. Loài muỗi này có màu nâu đen, sinh sản ở các vùng ao tù, nước đọng. Muỗi cái có thói quen hút máu vào lúc nhập nhoạng tối.
Sau khi vào cơ thể trẻ em, virus sẽ theo đường máu và sinh sôi, đưa đi khắp cơ thể. Lượng virus tập trung với mật độ cao nhất ở các tế bào thần kinh trung ương. Màng não và nhu mô não phản ứng lại với virus bằng các phản ứng viêm. Từ đó gây ra các tổn thương dạng phù nề và xuất huyết. Các cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi, gan, thận cũng xuất hiện các ổ viêm nhiễm, xung huyết, chảy máu ở nhu mô và niêm mạc.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em được chẩn đoán chủ yếu dựa trên các yếu tố dịch tễ, tiền sử tiêm chủng của trẻ. Kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.
Biểu hiện bệnh khởi đầu của trẻ là sốt cao đột ngột, liên tục trên 39 độ C. Kèm theo đó là triệu chứng đau đầu, buồn nôn và nôn mửa. Trẻ nhũ nhi còn xuất hiện những cơn khóc thét, tăng trương lực cơ và bỏ bú. Đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh cảnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Do xuất hiện đơn độc từng dấu hiệu như đau bụng, đại tiện phân lỏng và nôn mửa. Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 – 4 ngày.
Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát kéo dài từ 1 – 2 tuần. Giai đoạn này có các triệu chứng nổi bật liên quan đến hệ thần kinh. Trẻ có dấu hiệu bị rối loạn tri giác, ngủ li bì, ít chơi đùa, vận động. Khi ngủ thường là ngủ gà, khó đánh thức, thậm chí rơi vào hôn mê. Trẻ có thể bị co giật cục bộ, cứng cổ, yếu liệt tay chân, rối loạn trương lực cơ, liệt các dây thần kinh sọ não…
Ngoài ra, có thể xuất hiện một số triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như khó thở, suy hô hấp, tím tái, vã nhiều mồ hôi. Bệnh viêm não Nhật Bản có thể để lại di chứng nặng nề với tỷ lệ khoảng 50% ở trẻ. Những di chứng thường liên quan đến khả năng vận động, giao tiếp, và các rối loạn tinh thần. Nó gây cản trở cuộc sống sau này của trẻ.
Chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định để đánh giá bệnh như:
-
Xét nghiệm máu.
-
Xét nghiệm dịch não tủy.
-
Xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng virus hoặc phân lập virus gây bệnh bằng kỹ thuật PCR, phản ứng ELISA.
-
Chẩn đoán hình ảnh bằng chụp CT Scan sọ não có thuốc hoặc không có thuốc, MRI sọ não, X quang…
>> Xem thêm: Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ Em: Nguyên Tắc Chăm Sóc Cần Nhớ
Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay không có phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản đặc hiệu. Các biện pháp được sử dụng chủ yếu trên lâm sàng nhằm cải thiện triệu chứng, tuân theo các nguyên tắc sau:
-
Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
-
Điều trị suy hô hấp, lưu thông đường thở.
-
Chống phù não trong những trường hợp trẻ bị phù nề nhu mô não, xuất huyết não màng não nhiều.
-
Chỉ định sử dụng kháng sinh khi có di chứng viêm phổi, và xuất hiện bội nhiễm ở các cơ quan khác.
Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ
Việc phòng ngừa bệnh nhằm giảm số lượng trẻ tử vong và tỷ lệ di chứng để lại. Một số biện pháp dự phòng mà mọi người đều có thể thực hiện bao gồm:
-
Diệt muỗi, loại bỏ vật trung gian truyền bệnh.
-
Dọn dẹp các khu vực quanh kênh mương, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm quanh nhà.
-
Phun hóa chất trên diện rộng để trừ muỗi.
-
Ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay cho trẻ để tránh bị muỗi đốt.
-
Xây dựng các chuồng trại cách xa khu vực sinh sống.
-
Quan trọng nhất là thực hiện tiêm vacxin viêm não Nhật Bản cho tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên đúng lịch.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ về bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em. Hy vọng các bậc phụ huynh có biện pháp phòng ngừa sớm để tránh trẻ mắc bệnh dẫn đến di chứng nặng nề nhé!